
VẬY ĐIỀU TRỊ VIÊM XOANG NHƯ THẾ NÀO?
Bản chất của bệnh viêm xoang là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm, bị tổn thương cho nên nó không thực hiện được các chức năng của mình. Lâu ngày gây ứ đọng các dịch nhầy bẩn, các dịch nhầy này bám vào thành hốc xoang, dần dần lấp đầy hốc xoang, làm hẹp, tắc lỗ thông xoang dẫn đến viêm nhiễm tạo mủ trong các hốc xoang. Các biện pháp điều trị viêm xoang là nhằm mục đích: Làm sạch các hốc xoang: Phải dẫn lưu triệt để các dịch nhầy, dịch mủ ra ngoài. Khôi phục hoạt động của niêm mạc xoang: Để niêm mạc xoang thực hiện được đúng chức năng của mình, nhưng nếu không khôi phục được hoạt động của niêm mạc xoang thì một quá trình tích tụ các dịch nhầy bẩn mới lại diễn ra, bệnh viêm xoang lại tái phát. Lưu thông đường thở: Để bệnh viêm xoang không bị tái phát sau điều trị thì mũi xoang bắt buộc phải thông thoáng. |
Điều trị viêm xoang không cần dùng thuốc:
Biện pháp hydrat hóa: Dùng cho viêm xoang nhẹ, không kèm theo dấu hiệu nhiễm khuẩn cấp.
Uống nhiều nước giúp làm loãng dịch tiết, làm mềm chất nhầy và hỗ trợ dẫn lưu dịch.
Xông hơi khoang mũi bằng nước nóng hoặc có thể pha chút tinh dầu: giúp giải tỏa khó chịu và dịch nhầy trong mũi, giúp dễ thở.
Các món súp nóng, trà gừng, trà nóng, ..
Giữ mũi sạch sẽ
Nước muối sinh lý hoặc nước muối biển có nồng độ thẩm thấu bằng với nồng độ thẩm thấu của tế bào, do đó sẽ không có bất kỳ hiện tượng làm ảnh hưởng đến các tế bào của niêm mạc mũi xoang nói riêng cũng như tế bào toàn cơ thể nói chung nên rất an toàn, có thể sử dụng tốt để rửa mũi cho cả trẻ em và người lớn mà không gây bất kỳ khó chịu hay tác dụng phụ đáng kể nào khi thực hiện rửa mũi hằng ngày lâu dài.
Sử dụng thuốc điều trị viêm xoang phụ thuộc vào loại viêm xoang và nguyên nhân gây ra viêm xoang. Hầu hết các trường hợp viêm xoang mũi cấp tính không cần phải điều trị vì tác nhân gây bệnh thường do virus.
Các thuốc bác sĩ có thể kê trong điều trị viêm xoang:
Thuốc kháng histamine (chlorpheniramin, promethazin, acrivastin, levocetirizine, loratadine... ) Các loại thuốc này rất hiệu quả đối với ngứa và sổ mũi do dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi. Do vậy cần phối hợp với các thuốc điều trị nghẹt mũi.
Thuốc Corticoid (dạng xịt, dạng uống): Các thuốc này giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng viêm.
Thuốc co mạch giúp thông mũi: Các dược chất thường dùng là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Thuốc khá hiệu quả trong việc làm thông mũi nhưng cũng có tác dụng phụ. Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay xịt, chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày do hiện tượng nhờn thuốc tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn dẫn tới viêm mũi mạn tính.
Thuốc giảm đau (aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen…)
Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bệnh bị tái phát hoặc kéo dài dai dẳng thì việc sử dụng thuốc kháng sinh mới là cần thiết.
Thuốc kháng sinh dùng để điều trị viêm xoang cấp tính gây ra do nhiễm vi khuẩn bao gồm amoxicillin,…. Việc dùng thuốc đúng, đủ và đều đặn có thể diệt được vi khuẩn. Ngược lại, nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, vi khuẩn sẽ nhờn thuốc, gây bùng phát bệnh trở lại.
Thuốc kháng nấm: khi viêm xoang do nhiễm nấm. Liều dùng thuốc - cũng như dùng thuốc trong bao lâu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm nấm cũng như tốc độ đáp ứng của bệnh.